Ngày 23/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh báo cáo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn trong tuần 16 năm 2025 (từ ngày 14 - 16/4). Đáng chú ý, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại thành phố tăng 35,5% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Trong một tuần, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 540 ca mắc tay chân miệng.
Theo thống kê, nếu như trong tuần 15, thành phố ghi nhận 476 ca mắc thì sang tuần 16, con số này đã tăng lên 544 ca. Lũy kế từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng 3.721 trường hợp mắc bệnh, trong đó các địa phương có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, Quận 8 và huyện Nhà Bè.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ghi nhận từ phòng Kế hoạch tổng hợp cho thấy, số lượng bệnh nhi đến thăm khám và điều trị tay chân miệng đang có chiều hướng tăng. Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Lưu (khoa Nhiễm), tay chân miệng là bệnh có thể xuất hiện quanh năm, nhưng thường gia tăng vào các thời điểm tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12, với đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.
Bác sĩ Lưu cũng lưu ý, trẻ từng mắc bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm nếu tiếp xúc với nguồn lây, do hệ miễn dịch với bệnh tay chân miệng ở trẻ không ổn định. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, thông qua nước bọt, dịch từ mụn nước và phân của người bệnh. Do đó, việc giữ vệ sinh cá nhân, đồ dùng sinh hoạt và môi trường sống đóng vai trò then chốt trong phòng ngừa lây lan.
Tương tự, bác sĩ Phạm Hoàng Anh Khoa, khoa Nhi Bệnh viện thành phố Thủ Đức cũng cho biết, bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do các loại vi rút đường ruột, phổ biến nhất là Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 3 tuổi và có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, thông qua nhiều con đường như tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch mũi họng, dịch từ nốt phỏng, hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng bị nhiễm khuẩn.
Các bác sĩ cảnh báo, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, tổn thương thân não, biến chứng tim mạch và hô hấp, thậm chí có thể gây tử vong.
Hiện nay, Việt Nam chưa triển khai tiêm vaccine phòng bệnh tay chân miệng, vì vậy việc phòng ngừa chủ yếu vẫn dựa vào giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Bác sĩ Trần Ngọc Lưu (Bệnh viện Nhi đồng 2) khuyến cáo: Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh; cho trẻ nghỉ học khi có dấu hiệu nghi ngờ, tránh lây lan ra cộng đồng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; khử khuẩn các bề mặt, đồ chơi và vật dụng sinh hoạt của trẻ; người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sau khi thay tã hoặc tiếp xúc với dịch tiết của trẻ.
Triệu chứng bệnh thường gặp gồm: Sốt nhẹ đến cao, loét miệng, phát ban dạng mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, đầu gối và mông. Khi phát hiện các biểu hiện này, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Bác sĩ Khoa cũng lưu ý, tuyệt đối không tự ý điều trị bằng các biện pháp dân gian. Trẻ cần được cách ly và nghỉ học từ 7 đến 10 ngày để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, dinh dưỡng trong thời gian mắc bệnh cũng rất quan trọng, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, chia nhỏ bữa và bổ sung đủ nước và điện giải; cần tránh các món ăn cay, nóng, mặn hoặc cứng gây kích ứng vết loét miệng.
Theo Báo Tin tức và Dân tộc