CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

CHUYÊN TRANG NGÔN LUẬN CỦA VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Đọc báo in onilne

Bộ Y tế ban hành tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi mới nhất

27/03/2025 - 10:20
A A- A+

Ngày 26/3, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Tại hướng dẫn này có một số điểm mới, trong đó có xét nghiệm, phân cấp điều trị…

Chú thích ảnh

Bác sỹ thăm, khám cho bệnh nhi bị sởi phải thở oxy do biến chứng viêm phổi nặng. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN

Quyết định do Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia ký, nêu rõ: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do virus sởi gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus sởi được phân thành 8 nhóm (A-H) và 23 kiểu gen, hỗ trợ theo dõi sự lây lan dịch bệnh. Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.

Chẩn đoán bệnh sởi thường dựa vào xét nghiệm kháng thể IgM, trong đó 50-70% trường hợp dương tính ngay từ ngày đầu phát ban và đạt 100% sau 3 ngày phát ban.

Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ: Vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh cao, phần lớn trẻ bệnh sởi là chưa tiêm phòng vaccine sởi. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh, nhưng tỷ lệ mắc sởi hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn được Tổ chức y tế thế giới (WHO) quan tâm, tiếp tục coi là vấn đề y tế toàn cầu.

Diễn biến lâm sàng thể điển hình của sởi thể hiện qua 4 giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh: từ 7 đến 21 ngày (trung bình 10 ngày), triệu chứng xuất hiện sau khi phơi nhiễm 10-14 ngày.

Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): trong 2 - 4 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên (ho, chảy mũi) và viêm kết mạc. Có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5 - 1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên). Hạt Koplik thường xuất hiện một ngày trước phát ban và tồn tại 2 - 3 ngày sau khi ban xuất hiện.

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3 - 4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban dạng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Ban có thể hợp lại đặc biệt là ở vùng mặt và thân mình. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.

Yếu tố nguy cơ bệnh diễn tiến nặng của bệnh sởi gồm: Trẻ dưới 12 tháng, người chưa tiêm phòng vaccine hoặc tiêm không đầy đủ, người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, người có bệnh nền nặng, người suy dinh dưỡng nặng, người thiếu vitamin A, phụ nữ mang thai.

Tài liệu cũng hướng dẫn việc làm xét nghiệm lại luôn sau 72 giờ nếu nghi ngờ mắc bệnh sởi, gồm: Xét nghiệm huyết thanh học: Xét nghiệm IgM từ ngày thứ 3 sau khi phát ban. Nếu xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu.

Xét nghiệm PCR phát hiện virus sởi: Chỉ định sớm trong giai đoạn viêm long hoặc trong 72 giờ đầu từ khi phát ban; Phân lập virus từ máu và dịch mũi họng trong giai đoạn sớm của bệnh.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hướng dẫn điều trị này tập trung vào xét nghiệm chẩn đoán, so với lần trước có bổ sung thêm: "Nếu xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR Sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu"; Hay "Phân lập virus từ máu và dịch mũi họng trong giai đoạn sớm của bệnh". Nếu như trước kia chúng ta để muộn mới làm, bây giờ nếu nghi ngờ và có nguy cơ cao thì thực hiện luôn"- Tiến sỹ, bác sỹ Hà Anh Đức cho biết.

Về điều trị sởi, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, nếu là sởi không biến chứng, có thể điều trị ngoại trú; Cách ly ca bệnh tại nhà: nằm phòng riêng, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang thường xuyên; Uống vitamin A liều cao: tất cả trẻ bị sởi với hai liều cách nhau 24 giờ. Nếu có dấu hiệu thiếu vitamin A hoặc suy dinh dưỡng nặng, bổ sung liều thứ ba sau 4-6 tuần.

Bổ sung vitamin A cho người lớn: Dựa trên bằng chứng từ nghiên cứu ở trẻ em và lý thuyết về lợi ích của bổ sung vitamin A, có khả năng vitamin A cũng có giá trị trong điều trị bệnh sởi ở người lớn, đặc biệt là ở những nhóm quần thể có nguy cơ thiếu hụt vitamin A.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nghi ngờ thiếu vitamin A chỉ nên được điều trị với liều thấp nhưng thường xuyên hơn để tránh nguy cơ gây quái thai, liều khuyến nghị: vitamin A đường uống: 5.000 UI/ngày, trong ít nhất 4 tuần. Cân nhắc dùng vitamin A ở phụ nữ có thai khi có biểu hiện thiếu vitamin A (biểu hiện quáng gà hay định lượng nồng độ Retinol thấp).

Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cập nhật bệnh sởi lần này có điểm mới nữa đó là phân cấp chi tiết cho các đơn vị, tất cả các cơ sở y tế theo các cấp chuyên môn đều có thể tham gia việc thu dung, điều trị và chuyển tuyến.

Theo đó, phân cấp điều trị như sau: Trạm y tế xã và phòng khám tư nhân: Khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng. Chuyển tuyến đối với bệnh sởi có biến chứng hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.

Bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân: Khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; Chuyển cấp điều trị đối với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở oxy, viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.

Bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực, bệnh viện chuyên khoa Nhiễm hoặc Nhi: Khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; Hội chẩn, hướng dẫn tuyến trước điều trị các trường hợp nặng hoặc khó điều trị.

Trong cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi còn bổ sung vấn đề chăm sóc điều dưỡng quản lý người bệnh chú ý cách ly dài đối với người suy giảm miễn dịch, phòng bệnh bằng vaccine, Immunoglobulin dự phòng sau phơi nhiễm…

Theo TTXVN

03/04/2025
Từ ngày 15/4 - 15/5, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ lập 5 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.
03/04/2025
Thuốc chống đông máu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị hen suyễn… là 12 loại thuốc không nên dùng chung với cà phê.
03/04/2025
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) thông tin, tiếp nhận và điều trị thành công nữ bệnh nhi bị viêm não tự miễn - một căn bệnh hiếm gặp nguy hiểm.
02/04/2025
Ngày 1/4, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân mắc viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn tiết canh và thịt thỏ.
02/04/2025
Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế đã cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 4/3/2023.
02/04/2025
Sau 26 ngày điều trị bỏng cồn bằng thuốc nam tại nhà, bệnh nhi 14 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng nặng, nhiều vùng da bị hoại tử.
02/04/2025
TTND.TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, bệnh nhân P.N.Q.K (25 tuổi) - bệnh nhân nặng nhất trong 6 ca bệnh bị ngộ độc rượu chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 30.3 đã tử vong.
31/03/2025
Viêm cân gan bàn chân là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động của người bệnh.
31/03/2025
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 32 lô sản phẩm từ Công ty TNHH thương mại dịch vụ mỹ phẩm Yody Phương Anh do sản xuất mỹ phẩm sai quy định.

® 2022 Bản quyền thuộc VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG. Thiết kế website và SEO - Tất Thành