CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

CHUYÊN TRANG NGÔN LUẬN CỦA VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Đọc báo in onilne

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

20/06/2024 - 00:04
A A- A+

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận ở tổ về dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản văn hoá hiện hành, đồng thời nhất trí với quy định Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân bao gồm hiện vật thuộc Bảo tàng công lập; các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản tư liệu thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu không thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu riêng.

Đại biểu thông tin, theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, Việt Nam hiện nay có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có 130 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 4.000 di tích quốc gia và hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Phật giáo có 15 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 829 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia và có hơn 3.000 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Đối với các di tích này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể quản lý, sử dụng. Thời gian qua để giải quyết mối quan hệ giữa đại diện chủ thể quản lý, sử dụng các di tích là các ngôi chùa giữa Giáo hội phật giáo Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá còn nhiều bất cập. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các di tích này.

Đối với di vật, cổ vật, dự thảo Luật quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài. Mấy năm gần đây có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã phát tâm để hồi hương cổ vật, ví dụ việc hồi hương Ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” của Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh. Do hoàn cảnh lịch sử, do chiến tranh nên hiện nay rất nhiều di vật, cổ vật của Việt Nam đã bị phân tán, nằm rải rác ở nước ngoài nên chính sách “hồi hương cổ vật” là hết sức ý nghĩa và cần thiết.

Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, theo dự thảo Luật thì đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng tình với quy định thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá để phục vụ cho những việc ngân sách nhà nước không thể hoặc khó thực hiện, ví dụ: tham gia đấu giá di vật, cổ vật mà sử dụng ngân sách nhà nước thì sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục, như vậy có thể sẽ trôi mất cơ hội.

Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đã quy định cụ thể hơn về đầu tư xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích theo hướng tăng cường phân cấp trong việc xác định các trường hợp triển khai các dự án đầu tư, công trình xây dựng có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hoá của di tích.

Dự thảo Luật cũng quy định riêng về việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích và việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn cho người dân.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận.

“Quy định này là phù hợp để đảm bảo hài hoà giữa giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hoá của di tích và đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường của người dân sinh sống tại khu vực có di tích” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên khẳng định.

Theo đại biểu, thời gian qua việc đầu tư các công trình, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nơi có di sản văn hoá còn gặp một số khó khăn nhất định đó là chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II của di tích. Dự thảo Luật chỉ quy định chung đó là: “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh, tiếp giáp khu vực bảo vệ I của di tích, để bảo vệ cảnh quan văn hóa của di tích”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cần quy định cụ thể nguyên tắc để xác định khu vực bảo vệ II của di tích trong dự thảo Luật như khoảng cách về độ rộng, độ dài, chiều cao... từ mốc khu vực bảo vệ I là bao nhiêu để thuận lợi cho địa phương trong quản lý, bảo vệ di tích cũng như triển khai các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu dẫn chứng, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nơi có quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là di tích cấp quốc gia đặc biệt với 45 di tích thành phần, nằm rải rác khắp trung tâm thành phố nên việc xác định khu vực bảo vệ I, II của di tích và khu vực nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích là rất cần thiết, là cơ sở để thực hiện các thủ tục khi triển khai các công trình, dự án thuộc các khu vực này.

Qua khảo sát thực tế, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội có đánh giá “Ở địa phương còn nhiều di tích có số liệu từ bản vẽ khoanh vùng sai lệch so với diện tích thực tế, một số di tích có diện tích khoanh vùng tương đối rộng; việc xác định khu vực bảo vệ I, bảo vệ II, thực hiện cắm mốc di tích còn chậm. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các biện pháp, yêu cầu và điều kiện bảo đảm để việc xác định khu vực khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích đạt hiệu quả, chất lượng”.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình cao với đánh giá và kiến nghị nêu trên của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để việc bảo vệ di tích được chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nơi có di tích. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về trường hợp được xác định là có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích đối với công trình nhà ở riêng lẻ; bổ sung quy trình, thủ tục, hồ sơ lấy ý kiến của các cơ quan, người có thẩm quyền trong trường hợp xây dựng công trình, dự án, nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích và ngoài khu vực bảo vệ di tích khi có yếu tố tác động tiêu cực tới di tích để làm căn cứ triển khai, thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.

Theo Điện Biên Phủ Online

12/06/2024
Ngày 09.06.2024, Lễ Khánh thành Nhà thờ Tổ - Đình Cụ (Vân Chàng) đã được tổ chức thành công trong không khí uy nghiêm và trang trọng.
29/01/2024
(Dân trí) - Số ca mắc mới và tử vong do ung thư tại nước ta tăng gấp hơn 3 lần trong 30 năm. Điều đáng buồn là đa phần bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh nặng nề.

® 2022 Bản quyền thuộc VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG. Thiết kế website và SEO - Tất Thành