Sáng ngày 4.1.2025, trước buổi Gala: “Xuân ấm áp, Tết sẻ chia” lần thứ VIII, Đoàn công tác Viện Phát triển văn hóa chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực do Nhà báo Lại Đức Hồng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Phát triển văn hoá và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại tượng đài Bắc Sơn, Hà Nội và thăm quan tòa nhà Quốc hội.
Đoàn cán bộ Viện Phát triển văn hóa chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực do Nhà báo Lại Đức Hồng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Phát triển văn hoá và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng làm Trưởng đoàn đã thành kính dâng hoa tại đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tượng đài Bắc Sơn.
Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “ Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sỹ”.
Trước anh linh của các Anh hùng liệt sỹ, Nhà báo Lại Đức Hồng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Phát triển văn hoá và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cùng các thành viên của đoàn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những con người ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cùng trong sáng ngày 4.1.2025, Đoàn công tác Viện Phát triển văn hóa chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực đã tổ chức một chuyến tham quan đặc biệt đến Tòa nhà Quốc Hội cho các thành viên của Viện.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình Gala: “Xuân ấm áp, Tết sẻ chia” lần thứ VIII nhằm giúp các thành viên Đoàn công tác hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam qua quá trình hình thành và phát triển.
Tòa nhà Quốc hội Việt Nam hiện này có tiền thân là Hội trường Ba Đình được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ XX mục đích chính là để phục vụ các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội. Với diện tích xây dựng khoảng 2.600m2, Hội trường Ba Đình gồm 3 tầng, mặt bằng bố trí theo hình chữ T. Với chức năng là “ngôi nhà chung”, Hội trường Ba Đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Những sự kiện được tổ chức tại đây không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn rất thiêng liêng, thân thiết, là niềm tin, là tình cảm của Nhân dân cả nước đối với Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong hơn 4 thập kỷ, Hội trường Ba Đình đã đảm đương sứ mệnh lịch sử tổ chức các sự kiện lịch sử tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng: 11 nhiệm kỳ Quốc hội; 07 nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng; 05 nhiệm Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc; 05 nhiệm kỳ đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam; 05 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 06 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam… Ngoài ra, Hội trường Ba Đình còn nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước, các cuộc mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn và các cuộc biểu diễn nghệ thuật.
Nhà Quốc hội là nơi làm việc của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa lịch sử và chính trị hết sức to lớn, với hình thức kiến trúc đẹp, sang trọng, hài hòa, là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đăt nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế.
Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 và đưa vào vận hành tháng 10/2014; nằm trên diện tích 0,8ha; mặt chính diện hướng Tây giáp đường Độc Lập, nhìn ra Quảng trường Ba Đình; mặt phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ, đối diện Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng; mặt phía Đông giáp đường Hoàng Diệu, đối diện Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; phía Nam giáp đường Bắc Sơn, đối diện Trụ sở Bộ Ngoại giao. Nhà Quốc hội có kích thước mặt bằng 102mx102m, chiều cao 39m, với quy mô xây dựng 5 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Kiến trúc tòa nhà thể hiện biểu tượng của sức mạnh, quyền lực của Quốc hội và mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam. Hình tròn tượng trưng cho Mặt trời và Người cha, và hình vuông tượng trưng cho Trái đất và Người mẹ. Phòng họp chính được đặt trên 8 cột tròn bao quanh sảnh chính như một vương miện quý, có vách nghiêng hướng ra ngoài cùng không gian rộng lớn ở lối vào, nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sảnh chính Nhà Quốc hội là nơi tổ chức các nghi lễ đón tiếp khách trong nước và quốc tế, sảnh trung tâm có diện tích 2.900m2. Xung quanh sảnh trung tâm bố trí các phòng tiếp khách, phòng hội đàm và các phòng đa chức năng lớn nhỏ, khác nhau, được thiết kế trang trọng phù hợp với hoạt động tổ chức lễ tân các cấp độ khác nhau.
Khu vực sảnh trung tâm có 8 cột chính. Tám siêu cột ô van này được chạm khắc hình sóng nước kế thừa biểu tượng Thủy Ba trong điêu khắc truyền thống, nâng đỡ phòng Diên Hồng như một vương miện quý giá, với cấu trúc vách nghiêng hướng ra ngoài cùng không gian sảnh rộng lớn ở lối vào, nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các phòng chức năng trong Tòa Nhà Quốc hội gồm: 1. Phòng họp Diên Hồng; 2. Phòng Tân Trào (Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); 3. Phòng Thăng Long và các phòng chức năng; 4. Phòng họp Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổ Đại biểu Quốc hội; 5. Trung tâm báo chí; 6. Bảo tàng Quốc hội; 7. Thư viện Quốc hội; 8. Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.
Xuân Anh