CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

CHUYÊN TRANG NGÔN LUẬN CỦA VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Đọc báo in onilne

Độc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng Bỉ

20/04/2024 - 09:11
A A- A+

Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ (MRAH) là một điểm đến văn hóa hấp dẫn tại thủ đô Brussels. Nơi đây không chỉ lưu giữ kho tàng nghệ thuật và lịch sử phong phú của Bỉ mà còn trưng bày các hiện vật từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Một góc phòng trưng bày cổ vật của Việt Nam tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ ở Brussels.

Bước vào khu vực Đông Nam Á của bảo tàng, du khách như được lạc vào một hành trình khám phá đầy thú vị qua các nền văn hóa Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Indonesia và Việt Nam.

Không gian được tô điểm bởi những âm thanh truyền thống của dàn nhạc gamelan Indonesia, cùng hình ảnh các vị Phật thanh thản, những tấm batik in hoa văn độc đáo và những chiếc trống đồng cổ kính.

Trong hành trình đi thăm bảo tàng, phóng viên TTXVN tại Brussels cảm nhận rõ sự nổi bật của phòng trưng bày các cổ vật Việt Nam được bài trí trong khu vực Đông Nam Á. Gần 3.000 hiện vật có niên đại trước thế kỷ 15 đang được trưng bày và là bộ sưu tập cổ vật Việt Nam lớn nhất ở nước ngoài, được bảo tàng mua lại từ nhà sưu tập Clément Huet vào năm 1952.

Nhà sưu tập này từng làm việc tại Việt Nam từ năm 1914-1938 và đã sưu tầm nhiều hiện vật văn hóa Việt Nam như đồ gốm, tượng, đồ trang sức, vũ khí và các đồ vật nghi lễ. Bộ sưu tập của Huet cung cấp cái nhìn tổng quan độc đáo về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam trước thế kỷ 20.

Lò đốt vàng mã - sản phẩm gốm Thổ Hà, niên đại thế kỷ XVI-XVII.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Bowi Quibus, phụ trách khu vực trưng bày Đông Nam Á, cho biết các hiện vật được sắp xếp theo 2 tiêu chí chính là niên đại và chủ đề, giúp du khách dễ dàng theo dõi sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, đồng thời hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của đất nước này.

Du khách bắt đầu hành trình khám phá Việt Nam từ những nền văn minh đầu tiên, với các cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Ốc Eo ở miền Nam. Nổi bật là những đồ trang sức bằng đá, rìu đá, dao găm đồng, tượng người bằng gốm nung... Tiếp theo là những chum gốm, bình gốm đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là đôi hoa tai bằng đất nung có niên đại từ thế kỷ III sau Công nguyên, hiện vật do Phòng Thương mại Bỉ-Việt trao tặng cho bảo tàng.

Du khách cũng có thể chiêm ngưỡng những hiện vật gốm cổ được khai quật tại Gò Hời (Bình Định) do Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định tiến hành khai quật năm 2002, bao gồm con kê 5 mấu, chồng bát đĩa nung dính, chén, tô, đĩa, bát (vỡ) thể hiện kỹ thuật chế tác tinh vi và chất lượng gốm cao cấp của thời kỳ này.

Điểm nhấn của phòng trưng bày là những mặt trống đồng Đông Sơn, biểu tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Bên cạnh đó, du khách còn có thể chiêm ngưỡng các kiệt tác đồ gốm sơn thời Lý, Trần; gốm sứ đơn sắc và gốm lam tinh tế.

Bức tượng Phật bằng đá có niên đại từ thế kỷ 5-6, được tìm thấy tại tỉnh Thanh Hóa.

Anh Logan Vander Linden, một du khách người Bỉ, cho biết anh rất thích thú khi được khám phá những cổ vật của Việt Nam tại bảo tàng này, từ cách trưng bày đến những nội dung giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa. Thông qua việc xem các cổ vật, anh hiểu thêm về lịch sử của quốc gia Đông Nam Á.

Để bảo quản bộ sưu tập cổ vật đồ sộ, bảo tàng đã lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt độ và độ ẩm để giám sát điều kiện môi trường, điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng trong phòng trưng bày, đảm bảo các cổ vật không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài.

Bộ sưu tập cổ vật Việt Nam tại bảo tàng MRAH là minh chứng cho sự phát triển văn hóa và nghệ thuật phong phú của Việt Nam qua các triều đại. Đây là điểm đến lý tưởng để du khách khám phá và tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.

Bảo tàng MRAH được thành lập năm 1835 và hiện đang lưu giữ một bộ sưu tập đồ sộ gồm hơn 800.000 hiện vật thuộc các lĩnh vực nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ học từ khắp nơi trên thế giới.

Theo TTXVN

09/09/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
29/08/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu ngoại giao Việt Nam phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới, xứng đáng là “đội quân tiên phong”.
23/08/2024
Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác đảng năm 2024 của Đảng uỷ Bộ VHTTDL tổ chức ngày 23-24.8 tại Quảng Ninh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày 2 chuyên đề quan trọng.
23/08/2024
Đến Chùa Liên Hoa, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh hỏi sư cô Thích Nữ Diệu Hương thì Phật tử nào cũng biết bởi cô đã gắn với nhiều việc làm từ thiện, sẻ chia với những người có mảnh đời kém may mắn, những người có hoàn cảnh khó khăn.
16/08/2024
Chiều 15.8, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt thân mật các thế hệ lãnh đạo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ đã vinh dự được phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời gian 15 năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch (1954-1969).
12/08/2024
Sáng ngày 5.8, tại Khách sạn The YACHT (258 Bãi Cháy – Thành phố Hạ Long – Quảng Ninh) đã diễn ra Hội nghị quốc tế với chủ đề “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa”.
12/08/2024
Cuộc thi “Nghệ sĩ Nhí đa tài 2024” hiện phát động tuyển sinh trên toàn quốc và thu hút nhiều thí sinh nổi bật đến từ khắp nhiều tỉnh thành trên cả nước. Thí sinh giành giải Quán quân cuộc thi sẽ được huấn luyện và định hướng xây dựng hình ảnh trên con đường hoạt động nghệ thuật.
02/08/2024
Ban giám khảo cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí trong chương trình "Nghệ sĩ Nhí đa tài 2024" đã lộ diện. Trong đó, ông Đặng Nguyễn Đức Thuận, Cố vấn nghệ thuật, cháu nội Cố Tổng Bí thư Trường Chinh sẽ làm Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban giám khảo cuộc thi và Danh hài hải ngoại Quang Minh làm Phó Trưởng ban giám khảo. Thành viên ban giám khảo bao gồm Lực sĩ thể hình thế giới Phạm Văn Mách, Ca sĩ Lương Gia Huy, Đạo diễn sân khấu Minh Khôi, Ca sĩ hải ngoại Hồ Lệ Thu và Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Thành Nam.

® 2022 Bản quyền thuộc VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG. Thiết kế website và SEO - Tất Thành