Ngày Nay) - Bên lề Hội nghị quốc tế “UNESCO Phi Chính phủ và Văn hóa Doanh nghiệp Thúc đẩy Tương lai bền vững” ngày 26/3/2024 tại Chiba, phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có cơ hội được trò chuyện với Giáo Sư Yuji Suzuki, Tổng Giám đốc Liên hiệp các hội UNESCO Nhật Bản về phong trào UNESCO phi Chính phủ đang diễn ra vô cùng sôi nổi tại quốc gia này.
Xin Giáo sư chia sẻ về Liên hiệp các hội UNESCO Nhật Bản (NFUAJ) và các hoạt động nổi bật trong thời gian qua.
Giáo sư Yuji Suzuki: Tính đến giữa năm 2023, Liên hiệp các hội UNESCO Nhật Bản NFUAJ chính thức đưa ra thống kế bốn loại hình hội viên chính là các Hiệp hội, Câu lạc bộ UNESCO (272 đoàn thể với tổng số hội viên lên đến 14.500 người), Tổ chức liên kết (141 tổ chức), Tổ chức hỗ trợ (18 đoàn thể) và Hội viên cá nhân (182 người). Các khoản hội phí hàng năm đóng góp cho NFUAJ là 1.000 yên (khoảng 178.000 VND) / người nếu đang hoạt động tại một hiệp hội, câu lạc bộ thành viên NFUAJ, 12.000 yên / người nếu hoạt động độc lập, 120.000 yên / tổ chức liên kết, và 20.000 yên / đoàn thể tán trợ
272 Hiệp hội và CLB của chúng tôi hoạt động trên rộng khắp Nhật Bản, lần lượt là tại Khu vực Chubu (42 đoàn thể), Hokkaido (20 đoàn thể), Kinki (43 đoàn thể), Tohoku (45 đoàn thể), Chukoku (27 đoàn thể), Kyusyu (13 đoàn thể), Shikoku (13 đoàn thể) và Kanto (70 đoàn thể). Các tổ chức hỗ trợ bao gồm các tổ chức toàn quốc trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa, các ủy ban quốc gia của UNESCO và các tổ chức phi chính phủ của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, 141 tổ chức liên kết là những công ty viện trợ tài chính của Liên hiệp, có thể kể đến Tập đoàn IHI, Tập đoàn Hàng không ANA Holdings, công ty đường sắt Đông Nhật Bản, Mitsubishhi, công ty Canon, Bảo hiểm Nhân thọ Asahi Mutual, Tập đoàn ADEKA, công ty Nippon Light Metal, Tập đoàn Zeon, công ty Fujitsu… Chúng tôi cũng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với khối doanh nghiệp. Đa số các đời Chủ tịch tiền nhiệm của NFUAJ đều giữ chức vụ cao trong những công ty hỗ trợ tài chính cho chúng tôi.
Các hoạt động chính của NFUAJ bao gồm:
1. Cứu trợ hàng ngàn trẻ em sau thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 thông qua cấp Học bổng không hoàn lại.
2. Triển khai chương trình Giáo dục để giảm thiệt hại từ thiên tai với đối tượng chính là các trường học. Từ năm 2014 đến năm 2022, NFUAJ đã hỗ trợ 216 ngôi trường, số người được trang bị kiến thức, kỹ năng lên đến 82.659, bao gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên, dân thường…
3. Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em tại những nước đang phát triển, không có may mắn được tới trường do chiến tranh hay nạn phân biệt đối xử. Từ năm 1989 đến nay, NFUAJ đã hỗ trợ được 1,35 triệu người tại những quốc gia như Afghanistan, Nepal, Campuchia, Malaysia…
4. NFUAJ cũng đang vận động quyên góp hỗ trợ giáo dục cho dân tị nạn Ukraine, Rumania, Slovakia… với tổng số tiền lên đến 82,23 triệu yên (kết thúc cuối tháng 3/2023).
5. Hoạt động bảo tồn di sản: từ năm 2012, NFUAJ đã triển khai các dự án trùng tu và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này tại Nhật Bản và các nước như Thành trì Shuri (Okinawa, Nhật Bản), quần thể Di tích Angkor (Campuchia), các di tích Nubian (Ai Cập), Chùa Borobudu (Indonesia)…
6. Đăng ký Di sản Tương lai: Nhằm lưu giữ lại cho thế hệ tương lai những di sản thiên nhiên – văn hóa của đất nước Nhật Bản, NFUAJ đã tổ chức các hoạt động cho mọi địa phương trên cả nước lập hồ sơ đăng ký các Di sản Tương lai. Trong năm 2022, đã có 79 hồ sơ đăng ký được gửi đến từ 40 tỉnh, thành.
7. Triển khai chương trình U-Smile giúp đỡ trẻ em Nhật Bản tiếp cận nền giáo dục phổ quát, hướng đến một xã hội Nhật Bản nơi trẻ em có hy vọng và ước mơ,
và còn rất nhiều những hoạt động khác. Mục tiêu của Liên hiệp NFUAJ là thúc đẩy các hoạt động của người dân Nhật Bản dựa trên tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế theo tinh thần của Hiến pháp UNESCO.
Theo ông, thách thức lớn nhất của NFUAJ là gì?
Giáo sư Yuji Suzuki: Phong trào UNESCO phi chính phủ bắt đầu ở Nhật Bản hiện đã lan rộng tới 3.500 câu lạc bộ UNESCO tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. Dù vậy, chúng tôi đang đối diện với hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, đó là vấn đề về độ nhận diện hoạt động: được thành lập từ năm 1948, đến nay tên tuổi của NFUAJ được rất nhiều người biết đến, nhưng họ không có ý thức rõ ràng về những hoạt động cụ thể mà chúng tôi thực hiện. Thứ hai, chúng tôi đang đối mặt với vấn đề về độ tuổi của hội viên: Các thành viên của chúng tôi đều là người lớn tuổi, trong khi người trẻ Nhật Bản dường như không quá quan tâm đến phong trào UNESCO phi Chính phủ.
Cùng với đó, những vấn đề mới phát sinh mà Liên hiệp UNESCO Nhật Bản cũng như cả đất nước đang phải đối mặt liên quan đến tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ người cao tuổi cao và số trẻ em nằm trong diện nghèo khó đáng chú ý (khoảng 2 triệu em). Tỷ lệ trẻ em trong diện nghèo khó tăng cao sẽ kéo theo những vấn đề như tỷ lệ mù chữ, chênh lệch giàu nghèo cộng hưởng với chênh lệch giáo dục…
Để giải quyết hai vấn đề chính, chúng tôi đã đề ra hai đối sách:
1. Mở rộng hoạt động của NFUAJ: Chúng tôi đang nỗ lực thu hút nhiều người tham gia hơn vào phong trào UNESCO phi Chính phủ. Điều này bao gồm việc tăng cường thông tin về các hoạt động của chúng tôi và tạo sự quan tâm từ phía công chúng.
2. Tăng cường liên kết hợp tác với các đoàn thể khác: Chúng tôi đang xem xét cách tăng cường hợp tác với các tổ chức và đoàn thể khác để cùng nhau thúc đẩy phong trào UNESCO phi Chính phủ.
Chúng tôi hy vọng rằng những đối sách này sẽ giúp NFUAJ vượt qua những thách thức và phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Quốc tế “UNESCO Phi Chính phủ và Văn hóa Doanh nghiệp Thúc đẩy Tương lai bền vững” được đồng tổ chức bởi Việt Nam và Nhật Bản lần này?
Giáo sư Yuji Suzuki: Bình thường, chúng tôi luôn lên kế hoạch cho mọi sự kiện mang quy mô tương tự tại Nhật Bản trong vòng một năm. Thế nên, tôi đặc biệt ấn tượng với sự “thần tốc” và gấp rút chuẩn bị của cả hai phía trong vỏn vẹn ba tháng ngắn ngủi. Tất nhiên, mọi chuyện có thể tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta có thêm thời gian, nhưng đây chắc chắn là một khởi đầu còn tốt hơn tôi kỳ vọng. Tôi thậm chí từng nghĩ sự kiện sẽ chỉ diễn ra với quy mô nhỏ (khoảng 20 đại biểu), chứ không phải gần trăm người như thực tế.
Khi phía Việt Nam đề nghị sắp xếp chuyến thăm đến một doanh nghiệp và một trường Đại học, chúng tôi cũng phải bỏ rất nhiều công sức để có thể lo liệu chu toàn. Thời điểm này, các công ty đang lo làm quyết toán cho năm tài khóa 2023, còn các trường Đại học thì bận rộn với những Lễ Tốt nghiệp. Để nhận được cái gật đầu đón tiếp đoàn Việt Nam từ phía Tập đoàn IHI và Đại học Hosei – những cái tên uy tín trong từng lĩnh vực hoạt động tại Nhật Bản, chúng tôi cũng đã phải thảo luận với các bên rất nhiều, lên mọi kịch bản, bố trí phiên dịch viên và chuẩn bị tài liệu để sao cho hai bên có thể giao lưu thuận tiện nhất. Hàng trăm email và những cuộc điện thoại diễn ra liên tục trong ba tháng, và chúng ta đã có một hội nghị - theo tôi đánh giá, là thành công. Tôi tin rằng đây là một bước đi đầu tiên tốt đẹp cho những hợp tác dài hạn giữa Liên hiệp các hội UNESCO Nhật Bản và Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam về lâu dài.
Xin cám ơn Giáo sư về những lời chia sẻ.
Giáo sư Yuji Suzuki có nhiều năm công tác tại Đại học Hosei (Tokyo, Nhật Bản), Đại học Indonesia (Jakarta, Indonesia), Đại học Malaya (Kuala Lumpur, Malaysia), Đại học Johns Hopkins (Washington DC, Hoa Kỳ), Trường University College – Viện Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Viện Nghiên cứu Cao đẳng Đại học Liên Hiệp Quốc…
Ông từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Nghiên Cứu Hòa Bình Nhật Bản; Ủy viên quản trị Hội Chính Trị Học Nhật Bản, Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Châu Á, Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Thế Giới. Hiện tại, Giáo sư Yuju Suzuki đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Liên hiệp Hiệp hội UNESCO Nhật Bản, Tổng Thư Ký Liên hiệp UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương và Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Giá trị Nhật Bản SJVE.