Trong y học cổ truyền, khi cơ thể mệt mỏi, tâm phiền, hồi hộp, trống ngực, mất ngủ… có liên quan mật thiết đến tạng tâm và tạng thận, làm suy giảm chất lượng sống.
Tạng thận bao gồm cả thận âm và thận dương. Nếu các chức năng của thận âm, thận dương đều tốt, cơ thể khỏe mạnh, xương chắc khỏe, việc bài tiết nước tiểu và hoạt động tâm sinh lý diễn ra trong cơ thể bình thường.
Khi các chức năng của tạng thận có biểu hiện không bình thường như thận âm không đủ mạnh (thận âm hư) ắt sẽ gây ra các chứng bệnh như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, cơ thể có những cơn bốc hỏa, còn gọi là trào nhiệt, tính tình hay cáu gắt, kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, đau bụng kinh… Nam giới thường hay mắc chứng di tinh tảo tiết (xuất tinh sớm)….
Khi thận dương suy gây ra các chứng đau thắt lưng, chân tay lạnh, vô lực, sôi bụng, đau quặn bụng, đại tiện lỏng…
Mệt mỏi, tâm phiền, khó ngủ, mất ngủ… là những chứng có liên quan chủ yếu đến tạng tâm và tạng thận.
Khi hai tạng tâm và thận trong cơ thể suy yếu, mất thăng bằng (tâm thận bất hòa) sẽ gây ra một số triệu chứng như cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi, hồi hộp, trống ngực, thường xuyên lo âu, bồn chồn, đêm thì trằn trọc, khó ngủ…
Bài thuốc có lợi cho tạng tâm và tạng thận giúp giảm mệt mỏi
1. Thận âm hư
Biểu hiện: Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, đau mỏi xương khớp, ra nhiều mồ hôi, háo khát…
Bài thuốc thường dùng: Trạch tả, bạch phục linh, hoài sơn, mẫu đơn bì, mỗi vị 8g; sơn thù du 10g; thục địa, đại táo, mỗi vị 12g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 phần, uống cách xa bữa ăn. Uống liền 15-20 thang cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Có thể bào chế dưới dạng viên hoàn, bằng cách đem các vị thuốc sao hoặc sấy khô, tán bột mịn, thêm mật ong, hoàn viên ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g với nước sôi để nguội.
Một số bài thuốc Đông y có thể giúp giảm mệt mỏi.
2. Thận dương suy
Biểu hiện: Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chân tay lạnh, tiêu hóa yếu, đại tiện lỏng.
Bài thuốc thường dùng: Phụ tử, quế nhục, mỗi vị 3g; trạch tả, bạch phục linh, hoài sơn, mẫu đơn bì, mỗi vị 8g; sơn thù du, đỗ trọng, mỗi vị 12g; thục địa, đại táo, mỗi vị 12g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 phần, uống xa bữa ăn. Uống 12-15 thang cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Ngoài ra, có thể bào chế bài thuốc dưới dạng viên hoàn.
Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 15 tuổi, người thể chất nhiệt, chảy máu cam, cơ thể có hiện tượng xuất huyết dưới da…
3. Tâm thận bất hòa
Biểu hiện: Tâm phiền, mất ngủ, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, đau mỏi xương khớp, ra nhiều mồ hôi, loạn nhịp tim, đau tức ngực…
Bài thuốc sắc: Sài hồ, đương quy, bạch truật, bạch thược, bạch phục linh, hắc táo nhân, gừng nướng, mỗi vị 9g; cam thảo, bạc hà, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống trong ngày, trước bữa ăn. Uống liền 10-15 thang, đến khi hết các triệu chứng.
Có thể hoàn viên: Đan sâm 30g, xuyên khung, hồng hoa, xích thược, giáng hương, mỗi vị 16g. Các vị thuốc tán bột mịn trộn với mật ong hoàn viên, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần trước bữa ăn. Uống liền 10-15 ngày, đến khi hết các triệu chứng.
ThS.BS. Khánh Hiển
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống