CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

CHUYÊN TRANG NGÔN LUẬN CỦA VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Đọc báo in onilne

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tôn giáo và đoàn kết hòa hợp dân tộc ở Việt Nam

20/03/2025 - 23:36
A A- A+
ThS. Nguyễn Đức Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc đó là lòng yêu nước nồng nàn, tính kết nối cộng đồng chặt chẽ, ý chí độc lập tự chủ, lòng dũng cảm, đức tính cần cù, sáng tạo, năng động và lạc quan; đoàn kết gắn bó của dân tộc được thể hiện một cách tập trung và nổi bật nhất, nó trở thành giá trị bền vững, ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc, luôn được gìn giữ và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong khối đại đoàn kết đó, Người sớm ý thức rằng, đồng bào tôn giáo chiếm một vị trí quan trọng.

Người Việt Nam có khả năng tiếp biến rất cao văn hóa ngoại sinh. Từ Nho giáo, Phật giáo đến Công giáo,… khi vào Việt Nam đều bị bản địa hóa thông qua lăng kính của chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Vì thế, cách tiếp cận tôn giáo ở Việt Nam thường không theo con đường cạnh tranh hoặc đối kháng. Giữa các tôn giáo, tín ngưỡng có tính đan xen, hòa đồng và thường diễn ra thông qua sự tồn tại để thích ứng, tích lũy và đào thải dần những cái không phù hợp. Đó là sự khoan dung giữa tôn giáo dân tộc với tôn giáo ngoại nhập. Đặc điểm đó đã phản ánh đúng tâm thức tôn giáo của người Việt Nam, đồng thời là cơ sở để nước ta tồn tại nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Trong bối cảnh ấy, việc thắt chặt mối quan hệ, đoàn kết các tôn giáo lại với nhau để cùng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là cực kỳ quan trọng và cần thiết, trở thành nhu cầu tồn tại và chấn hưng đất nước.

Ở vị trí một người có trách nhiệm tối cao của quốc gia, Hồ Chí Minh đã sớm thấy được vai trò quan trọng của công tác tôn giáo. Chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03/9/1945, Người đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu là thực hiện “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Người chỉ ra mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo, chỉ khi có độc lập dân tộc thì mới có tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng để có điều đó thì phải đặt tôn giáo trong tổng thể quốc gia dân tộc. Người nói: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người dân đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”.

Nhân ngày lễ Giáng sinh, 25/12/1945, Hồ Chí Minh với cương vị Chủ tịch nước đã gửi thư tới đồng bào Công giáo Việt Nam, Người đã đề cập đến tinh thần của Chúa Giê-su và nguyện vọng đoàn kết: “Cách đây một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giê-su ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hi sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh cho đến nay, đã gần hai nghìn năm, nhưng tinh thần nhân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, ngấm vào đã sâu”.

Năm 1947, vào ngày Rằm tháng bảy Bác Hồ đã viết thư gửi Hội Phật tử Việt Nam: “... Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang... Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Người phải hy sinh đấu tranh, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”.

Người thuyết phục mọi người khoan dung, đoàn kết trên sự hiểu biết. Vì vậy, trong những bài viết bài nói của mình, Người thường nêu lên những cái hay cái đẹp của mỗi tôn giáo. Người đã từng nêu rõ giá trị đạo đức và văn hóa trong lời dạy của các vị sáng lập các tôn giáo:

“Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái.

  Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.

  Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”

Chính những quan điểm đúng đắn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và tôn giáo đã bác bỏ luận điệu tuyên truyền rằng: Chủ nghĩa xã hội không phù hợp với nền văn minh Ki-tô giáo; chủ nghĩa xã hội hạn chế, thậm chí không chấp nhận chung sống với tôn giáo… và giải tỏa nỗi lo lắng, ngờ vực trong cộng đồng Công giáo khi bước vào công cuộc xây dựng xã hội mới. Người đã cho giáo dân thấy và yên tâm rằng, đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính. Người giáo dân vừa có thể là một công dân tốt. Đức tin tôn giáo và tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc chân chính có thể tồn tại trong ngay một con người.

Khi ứng xử với tôn giáo và dân tộc bao giờ Hồ Chí Minh cũng xem xét và giải quyết trên tinh thần của đại đoàn kết. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống trong lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển cần biết phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo. Đây chính là cơ sở để sau này chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, đoàn kết tôn giáo, hài hòa: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, kết hợp "Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc", cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Tại Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt (3.1951), Người khẳng định: “Trong Đại hội này, chúng ta có đại biểu đủ các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc, già có, trẻ có, nam có, nữ có, thật là một gia đình tương thân tương ái. Chắc rằng sau cuộc đại hội, mối đoàn kết thân ái sẽ phát triển và củng cố khắp toàn dân”. Tinh thần ấy lại được tiếp tục thể hiện trong bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận (8.1962), Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân.... phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng Tổ quốc... Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc. Phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”.

Với thái độ chân tình, cởi mở, bao dung, Người luôn thấu hiểu nỗi băn khoăn, ước vọng hòa bình của đồng bào. Những tâm tình đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tín đồ các tôn giáo. Giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc đã từng gửi điện tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Nhân danh hàng triệu tín đồ Cao Đài Việt Nam và cả Nhân dân Việt Nam tôi thành thật cám ơn Chủ tịch đã biểu lộ nhiều thiện ý nhằm giải quyết hòa bình thống nhất nước nhà Việt Nam”. Với tinh thần khoan dung lương giáo và đoàn kết hòa hợp dân tộc, trong sự nghiệp chính trị của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo, khuyến khích họ hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch. Thực tế lịch sử cho thấy, trong cuộc kháng chiến có nhiều tôn giáo đóng góp công sức to lớn của mình với dân tộc. Nhiều nhà sư là chiến sĩ, nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo (nhà chùa, nhà thờ) là nơi trú ngụ của cách mạng. Các dân tộc đều đóng góp công sức to lớn của con, em mình trong việc thực hiện những nhiệm vụ, những yêu cầu của cuộc cách mạng. Tiêu biểu là đồng bào các dân tộc Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, nơi án ngữ những vùng hiểm yếu, biên cương của Tổ quốc.

Tính đến hết ngày 15/11/2024, Nhà nước ta đã công nhận 40 tổ chức tôn giáo; cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ky- tô Việt Nam, Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (một số địa phương công nhận tổ chức Ban Quản trị chùa Bửu Sơn Kỳ Hương) thuộc 16 tôn giáo khác nhau với 28.065.000 tín đồ (chiếm trên 28% dân số cả nước), trong đó có hơn 61.000 chức sắc, hơn 144.800 chức việc; có 29.920 cơ sở thờ tự. So với năm 2023, số lượng tín đồ tăng 290.600 người; chức sắc tăng hơn 6.000 người; chức việc tăng hơn 60 người; cơ sở thờ tự tăng 31 cơ sở.

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng. Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng,... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Các quốc gia, dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã kéo theo sự phát triển của các tôn giáo như một quy luật tất yếu của sự tồn tại và phát triển.

 

Hiện nay, tôn giáo đang có xu hướng phục hồi, phát triển tổ chức, tín đồ và tạo sự lan tỏa ra nhiều Quốc gia, trong xu thế hội nhập, mở cửa, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước ngày càng nhiều và người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc gia tăng, trong đó có tín đồ các tôn giáo, do đó sẽ có nhiều hệ phái, tổ chức tôn giáo mới ở nước ngoài sẽ tiếp tục truyền bá vào Việt Nam và xin đăng ký sinh hoạt, đề nghị công nhận tổ chức. Công nghệ thông tin phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các cuộc “cách mạng màu” trên thế giới vừa qua cho thấy rõ vai trò “ngòi nổ” nguy hiểm của mạng xã hội một khi bị lợi dụng nhằm i kéo tín đồ, đưa tin thất thiệt, kích động, tạo dựng các cuộc bạo động, lật đổ chính quyền như một số vụ việc đã diễn ra. Việc truyền đạo xuyên biên giới thông qua mạng Intenet vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số Blgog, trang mạng nói xấu Đảng, Nhà nước, xuyên tạc về tự do tôn giáo, nói xấu chế độ, kích động biểu tình...chưa được ngăn chặn triệt để sẽ làm suy giảm lòng tin của đồng bào có đạo đối với Đảng, Nhà nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng quý giá cho đất nước và Nhân dân Việt Nam, đó là hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, trong đó có tư tưởng, ứng xử của Bác đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, đó là sự chân thành, nhân văn trong ứng xử, sự trân trọng thành tựu văn hóa tôn giáo của nhân loại, tôn trọng và quan tâm đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tinh thần  đó, tư tưởng đó và những ứng xử của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam định hướng cho việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo, để trong mọi giai đoạn cách mạng Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và nay là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người luôn được khẳng định, nhất quán; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng Tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984.

2. Viện Hồ Chí Minh, Nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh, Hà Nội 1993.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập III, tập IV, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1995.

4. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập V, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

          5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập VII, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1996.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

7. Nguyễn Thanh Xuân, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2020.

8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011.

9. PGS, TS. Phạm Ngọc Anh, TS. Nguyễn Xuân Trung, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Công an Nhân dân, 2021.  

          10. Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2024./.

 

ThS. Nguyễn Đức Dũng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo

Ban Tôn giáo Chính phủ

03/04/2025
Từ ngày 15/4 - 15/5, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ lập 5 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.
03/04/2025
Thuốc chống đông máu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị hen suyễn… là 12 loại thuốc không nên dùng chung với cà phê.
03/04/2025
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) thông tin, tiếp nhận và điều trị thành công nữ bệnh nhi bị viêm não tự miễn - một căn bệnh hiếm gặp nguy hiểm.
02/04/2025
Ngày 1/4, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân mắc viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn tiết canh và thịt thỏ.
02/04/2025
Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế đã cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 4/3/2023.
02/04/2025
Sau 26 ngày điều trị bỏng cồn bằng thuốc nam tại nhà, bệnh nhi 14 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng nặng, nhiều vùng da bị hoại tử.
02/04/2025
TTND.TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, bệnh nhân P.N.Q.K (25 tuổi) - bệnh nhân nặng nhất trong 6 ca bệnh bị ngộ độc rượu chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 30.3 đã tử vong.
31/03/2025
Viêm cân gan bàn chân là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng vận động của người bệnh.
31/03/2025
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 32 lô sản phẩm từ Công ty TNHH thương mại dịch vụ mỹ phẩm Yody Phương Anh do sản xuất mỹ phẩm sai quy định.

® 2022 Bản quyền thuộc VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG. Thiết kế website và SEO - Tất Thành