Khởi nghiệp thành công tuổi 79
Doanh nhân Trần Thị Lý sinh ra tại Hải Phòng, đến năm 1940 bà theo bố mẹ kinh doanh, buôn bán cà phê tại đường Điện Biên Phủ, TP. Hồ Chí Minh.
Ngay từ nhỏ, doanh nhân Trần Thị Lý đã luôn có tinh thần tự giác học hỏi, tham gia tích cực các phong trào thanh niên. Điển hình, ngày 09.01.1950, bà Lý cùng nhiều học sinh, giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt.
“Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và cảnh sát Bình Xuyên. Nhiều bạn học sinh ngã gục trước sự đàn áp dã mãn. Trong đó, có anh Trần Văn Ơn”, doanh nhân Trần Thị Lý xúc động nhớ lại.
Đến năm 1955 miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bà Lý được Nhà nước cho ra học tập ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), sau đó về công tác tại cảng Hải Phòng. Tiếp đến năm 1960, doanh nhân Trần Thị Lý được cử đi học tài chính, giữ chức Kế toán trưởng tại Công ty Sidorex đến khi về hưu.
Là người chịu khó, ham lao động, ngay cả khi về hưu bà Lý vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu thành công phân bón hữu cơ giúp cây trồng đạt hiệu quả, đưa ra năng suất cao. Bước đầu, vị doanh nhân Trần Thị Lý thử nghiệm với các loại sản phẩm sạch như quả bưởi, nhãn, cam, quýt. Trong đó, đặc biệt là loại dưa lưới Nhật Bản.
Khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 70, Doanh nhân Trần Thị Lý cho biết: “Mỗi lần đi công tác Nhật Bản sẽ luôn được thưởng thức dưa lưới ở đây. Quả dưa lưới căng mọng, thơm và trông rất đẹp, nhưng để mua về và thưởng thức thì không phải ai cũng có cơ hội". Chính vì lẽ đó, trồng loại dưa lưới Nhật Bản để người dân Việt Nam được ăn cũng là ước mơ ấp ủ của vị doanh nhân.
Trong quá trình khởi nghiệp, bà Trần Thị Lý luôn nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, đến từ con trai Huỳnh Thành Chung - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Phước cùng 2 cô con gái.
Vào thời gian tới, ngày 05.08.2024 doanh nhân Trần Thị Lý được chứng nhận Gia tộc doanh nhân tiêu biểu, hội nhập Châu Á - Thái Bình Dương và Đạo đức Toàn cầu UNESCO; Bông hồng vàng Nhân ái.
Thương hiệu vinh danh “Dưa lưới Bà Lý’’
Dám nghĩ dám làm, doanh nhân Trần Thị Lý đã triển khai thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.
Theo doanh nhân Trần Thị Lý, dưa lưới là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế, giá cả ổn định, năng suất canh tác trên một đơn vị diện tích trong nhà màng cao. Khi trồng trong nhà màng thì sẽ hạn chế được sâu bệnh gây hại vì các cây trồng thuộc họ Dưa thường rất dễ bị sâu bệnh khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.
Nếu canh tác theo kiểu truyền thống (ngoài đồng ruộng) thì rất khó kiểm soát được sâu bệnh hại và tốn kém chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ. Bên cạnh đó, cây dưa lưới chỉ phù hợp vào mùa khô, còn mùa mưa thì không thuận lợi; tuy nhiên, khi canh tác trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này vì chủ động được thời tiết, không quá lệ thuộc vào tự nhiên (mùa mưa vẫn trồng được). Do đó, đảm bảo quá trình sản xuất được liên tục, không theo mùa vụ như lối canh tác truyền thống.
Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 65 - 75 ngày (tùy theo giống); mỗi quả dưa đến kỳ thu hoạch có trọng lượng từ 1,2 - 2,0 kg. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 3 - 4 vụ/năm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt khoảng 7 – 10 tấn/vụ/2.000 m2 nhà màng.
Hiện nay, khác với loại dưa lưới ngoài thị trường, dưa lưới Bà Lý sẽ được chăm chút cẩn thẩn, lựa chọn kĩ càng từ loại giống chất lượng cao và mỗi dây dưa lưới sẽ chỉ thu hoạch được 1 quả.
Doanh nhân Trần Thị Lý cho biết: “Để dưa không bị sâu bệnh, phát triển tốt và cho quả ngọt, giòn, thơm ngon thì người trồng phải nắm vững các kỹ thuật; đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ ẩm trong nhà màng để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời, nhất là giai đoạn sắp thu hoạch. Đặc biệt, vườn dưa sau thu hoạch phải xử lý rắc vôi, xịt thuốc trong vòng 10 – 15 ngày mới đưa cây giống vào trồng để đảm bảo cây không bị sâu bệnh và đạt năng suất cao”.
Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Mô hình được sản xuất theo hướng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên mang tính ổn định và hiệu quả kinh tế cao.
Lê Hà