Hội nghị được thực hiện theo 02 hình thức là trực tiếp ở Hội trường tầng 3, Nhà khách Trung ương Đảng, số 8 Chu Văn An, Hà Nội và trực tuyến giữa các điểm cầu trên khắp cả nước. Trong đó, hội nghị thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu khách mời Trung ương và Quốc hội.
Về phía đại biểu khách mời có: Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá 15; Ông Nguyễn Trí Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Ngô Quang – Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế; TS. Bùi Thế Đức - Phó chủ tịch Hội đồng phê bình Văn học Trung ương, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương; Bà Vũ Thị Hà – UVBCH, Trưởng ban công tác Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Đình Được - Viện trưởng Viện khoa học Nghiên cứu Nhân tài nhân lực; Ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch CLB UNESCO Châu Á Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay…
Về phía Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có: Nhà báo Lê Thị Tuyết Hà – Trưởng ban Văn hóa xã hội Tạp chí Ngày Nay, Chủ tịch HĐQL Viện; Bà Trần Thị Hằng Nga – Viện trưởng; Viện Sĩ, GS.TS.BS Chuyên gia Nguyễn Duy Cương – Chủ tịch HĐKH Đào tạo Hợp tác Quốc tế Viện; Nhà báo Lại Đức Hồng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển, Phó Viện trưởng; Bà Chữ Thị Thu Hoài - Phó Viện trưởng kiêm Chánh Văn phòng Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng;…
Về phía Hội Đông Y Việt Nam có: TTND, PGS. TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam; TTND, Thiếu tướng TS. Đỗ Thế Lộc – Phó Chủ tịch thường trực Hội Đông y Việt Nam; PGS.TS Vũ Nam – giám đốc Bệnh viện YHCTY Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam,…
Phát biểu khai mạc buổi lễ, TTND, PGS. TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, Hội Đông y Việt Nam với cơ cấu tổ chứ 4 cấp Hội, cấp Trung ương, cấp Tỉnh thành, Cấp Quận Huyện và Cấp Xã phường. Với số lượng Hội viên của Hội có khoảng 70.000 Hội viên, trải dài khắp mọi vùng miền của Đất nước.
Mặc dù thời gian qua, các thành tựu khoa học đã đem đến cho chúng ta nhiều thiết bị công nghệ tốt và nhiều loại thuốc quý, trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa. Tuy nhiên, sức khỏe nhân dân về đường tiêu hóa vẫn còn nhiều điều thách thức chúng ta, cần các Thầy thuốc phải nỗ lực nhiều hơn trong sự nghiệp khám chữa bệnh cho nhân dân.
“Việc kết hợp hai phương pháp Đông – Tây y này có thể mang lại những lợi ích to lớn. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra một hệ thống chăm sóc toàn diện, mà còn mở ra những cơ hội mới để nghiên cứu và phát triển. Chúng ta có thể tận dụng những kiến thức và kỹ thuật từ cả hai phương pháp để tìm ra những phương pháp chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả hơn và cung cấp chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân” – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức chia sẻ, nền Đông y nước ta đã có từ lâu đời, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là một bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Đã từ lâu, nền Đông y đã chứng minh chữa được nhiều bệnh, góp phần không nhỏ vào việc phòng và chữa bệnh cho nhân dân, làm giàu cho kho tàng y học nước nhà. Trong đó, Đông y Việt Nam đã tích cực chủ động, tham gia và đóng góp to lớn trong việc kiểm soát bệnh dịch, như dịch sốt xuất huyết, đại dịch COVID-19 vừa qua đã phần nào nói lên vai trò của Đông y trong hệ thống bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chúng ta có nền Đông y phát triển cùng với trường tồn của dân tộc từ hàng nghìn năm cho đến ngày nay, đồng thời được thiên nhiên ưu đãi tên 5.000 cây thuốc; cho nhiều vị thuốc để phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, cùng với đội ngũ các thầy thuốc Đông y đã có những bài thuốc hiệu quả.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; các thầy thuốc, lương y, lương dược, của Hội Đông y Việt Nam cùng chia sẻ, trao đổi và thảo luận về Kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán, điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung và Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nói riêng. Đây là một vấn đề y khoa trong sự nghiệp khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đang rất cần sự chung tay của các nhà khoa học, đặc biệt Đông y và Tây y để giúp đỡ người bệnh về sức khỏe đường tiêu hóa.
"Đội ngũ cán bộ chuyên môn, lương y, lương dược, các cấp hội đoàn kết nỗ lực phấn đấu, khơi dậy tiềm năng, nâng tầm sức khỏe của Đông y Việt Nam, kết hợp Đông y với Tây y trên nhiều phương diện: Khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, nuôi trồng dược liệu, phát triển công nghệ dược, để xây dựng một nền Đông y “Dân tộc- khoa học và đại chúng” như lời Bác Hồ đã căn dặn", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các bác sĩ, thầy thuốc, lương y đã cùng chia sẻ nhiều tham luận, cập nhật mới về sinh lý bệnh cũng như chẩn đoán, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh tiêu hóa khác hiện nay.
Đặc biệt, gây chú ý hơn cả với tham luận “ Nghiên cứu Bình can thảo trong hỗ trợ giải độc gan và tăng cường chức năng gan” của Viện Sĩ, GS.TS.BS Chuyên gia Nguyễn Duy Cương - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Cương, gan là cơ quan quan trọng của cơ thể, thực hiện nhiều chức năng sống còn như lọc máu, chuyển hóa dưỡng chất và giải độc. Việc duy trì sức khỏe gan là rất cần phát triển để bảo vệ sức khỏe toàn diện. Trong Y học cổ truyền, nhiều bài thuốc đã được phát triển để hỗ trợ chức năng gan và bài thuốc Bình can thảo là một trong số đó. Với thành phần chủ yếu từ thảo dược tự nhiên, được tin dùng để hỗ trợ giải độc gan và tăng cường chức năng gan.
Ngoài tham luận của Viện Sĩ, GS.TS.BS Chuyên gia Nguyễn Duy Cương, các thầy thuốc, lương y trên cả nước có mặt tại hội nghị đã sôi nổi trao đổi các nội dung bao gồm: Giới thiệu một số bài thuốc tâm đắc chữa bệnh dạ dày, tá tràng, đại tràng và các bệnh tiêu hóa khác; Đề án Nghiên cứu phát triển đá năng lượng sinh học ứng dụng trong ngành chăm sóc sức khỏe chủ động; Khát vọng cao cả của lương y Tâm Nguyễn với Y học cổ truyền; Nắn chỉnh khuôn mặt tự nhiên không xâm lấn; …
Tham luận Khát vọng cao cả của lương y Tâm Nguyễn với Y học cổ truyền của Lương y Nguyễn Thị Tâm nói về những báo cáo khoa học đề cập vấn đề quá trình khám bệnh và chẩn đoán dựa trên các nguyên tắc của Y học cổ truyền Việt Nam.
Tham luận Đề án Nghiên cứu phát triển đá năng lượng sinh học ứng dụng trong ngành chăm sóc sức khỏe chủ động của Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Quang Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học khu vực phía Bắc, Viện Phát triển văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho biết, trạm năng lượng sinh học giúp cơ thể cân bằng năng lượng, cân bằng âm dương, cân bằng chính khí (hệ miễn dịch), đả thông kinh lạc.
Trong đó, sự độc đáo khác biệt là năng lượng sinh học được tạo ra từ đá thạch anh tự nhiên thông qua công nghệ đặc biệt biến đổi mạch liên kết hóa học của đá tạo thành mạng tinh thể mới. Ion âm và sóng viễn hồng ngoại được phát ra từ sự tương tác giữa mầm đá thạch anh và nhiệt hồng ngoại giúp thẩm thấu sâu, kích thích thải độc từ da, mô, cơ, xương, khớp và tế bào.
Tham luận Nắn chỉnh khuôn mặt tự nhiên không xâm lấn của Y sĩ. Trần Thị Mao Trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe cộng đồng khu vực Đông Nam Bộ, Viện Phát triển văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng chia sẻ, khuôn mặt người là một cấu trúc hoàn toàn có thể tác động và điều chỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc, cấu trúc khuôn mặt có thể bị thay đổi do quá trình sinh hoạt, ăn uống, nhai, tư thế nằm..., và các chấn thương sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, dựa vào cấu trúc của xương đầu mặt, người Nhật Bản đã nghiên cứu và phương pháp này đã tồn tại hàng trăm năm qua. Họ sử dụng các phương pháp hoàn toàn bằng tay để điều chỉnh cấu trúc xương mũi, điều chỉnh nhẹ nhàng bằng kỹ thuật vật lý trị liệu đặc biệt, kèm theo bài tập đơn giản nhưng hiệu quả và an toàn, không gay đau đớn, không phẫu thuật nên không phải dùng kháng sinh.
Sau tất cả các tham luận, TTND, PGS. TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đã có những chia sẻ với hội nghị. Ông Cảnh khẳng định, hội nghị với những tham luận thiết thực đã giúp tăng thêm nhận thức cho cộng đồng, tăng niềm tin cho người bệnh trong việc chữa khỏi, kéo dài cuộc sống và giảm nhẹ nỗi đau... Hội nghị không nên dừng lại ở những tham luận, mà cần phải lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng, xã hội, giúp người bệnh tiếp cận được với những thành tựu vượt bậc của Đông y và Tây y trong khám chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh tiêu hóa khác.
Nhân dịp này, Hội Đông y Việt Nam đã trao Bằng khen cho một số cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và từ thiện cùng Hội Đông y Việt Nam 2024.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Lê Hà