CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

CHUYÊN TRANG NGÔN LUẬN CỦA VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Đọc báo in onilne

Khai thác khoáng sản phải hướng đến chế biến sâu, phục vụ cho các ngành công nghiệp

04/06/2024 - 16:30
A A- A+

"Việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm thì phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam nhất là công nghiệp chíp bán dẫn, ngoài ra còn có thể nghiên cứu để hướng tới xuất khẩu", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cơ chế đặc thù đã được triển khai rất hiệu quả

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng nay, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường với trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong việc khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, với cơ chế đặc thù của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương, thời gian qua đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, chỉ đạo. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án, đến nay, các dự án đều vượt tiến độ.

"Cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả, đã được thể hiện qua việc tiến độ của các công trình, dự án quan trọng quốc gia", Bộ trưởng khẳng định. 

Để luật hóa nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, trước đây, luật quy định quy trình cấp mỏ các vật liệu san lấp cũng giống như đối với các kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm. Sau khi áp dụng cơ chế đặc thù, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có tổng kết và hiện nay Bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản.

"Trong đó, đã phân loại 4 nhóm khoáng sản gồm: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu đất đá sỏi. Vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp triệt để cho các địa phương, không phải cấp phép mỏ mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định", Bộ trưởng cho biết. 

Đã thí điểm sử dụng cát biển san lấp, xây dựng đường giao thông

Cũng quan tâm đến vật liệu san lấp, ĐBQH Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là những dự án đặc biệt quan trọng như dự án làm đường cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế có điều kiện khi mà chưa đáp ứng thì triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Nhiều vấn đề đặt ra là hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh theo thời gian hay không? Có ý kiến còn cho rằng, việc sử dụng cát biển thay cát sông còn là “mang mặn vào giữa cánh đồng” lũ, trũng... nhất là trong tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng phức tạp và khó lường như hiện nay. Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước?", đại biểu đặt câu hỏi. 

Đối với nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sử dụng vật liệu xây dựng là cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành liên quan cùng nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải đã sử dụng cát biển trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông và cho thấy có thể san lấp và thi công đạt K95.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tại Phiên chất vấn và trả lời chất. Ảnh: Hồ Long

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng, khu vực để lấy cát biển. Theo đó, Bộ đã hoàn thành đánh giá trữ lượng tại khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối, cách bờ khoảng gần 20km, thân mỏ có chiều sâu khoảng 7m.

"Tuy nhiên, Bộ cũng đã có khuyến cáo nếu khai thác mỏ cát biển này thì chỉ lấy khoảng chiều sâu 2m để giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường. Trữ lượng cát biển là rất lớn và hiện nay đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dự án ven biển", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói. 

Đối với lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng khẳng định, cần đánh giá tác động môi trường, hiện nay cát biển được sử dụng tốt nhất thì ở những khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc là không được để ảnh hưởng nhiễm mặn. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý về vật liệu xây dựng sẽ có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định rõ cát biển sẽ được đưa vào những công trình như thế nào.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Một trong những giải pháp được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra trong thời gian tới là duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bauxite, alumin, nhôm, đất hiếm. ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản về chiến lược quan trọng, trữ lượng tương đối lớn như: bauxite khoảng 5,8 tỷ tấn; titan hơn 600 triệu tấn. Với đất hiếm, Bộ đã đánh giá trữ lượng khoảng 2,7 triệu tấn và tài nguyên đất hiếm khoảng 18 triệu tấn, như vậy, khoảng 20,7 triệu tấn.

Đối với tài nguyên đất hiếm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng tổng thể.

"Việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm thì phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam nhất là công nghiệp chíp bán dẫn, ngoài ra còn có thể nghiên cứu để hướng tới xuất khẩu", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thừa nhận việc chế biến đất hiếm chưa được nghiên cứu một cách tổng thể. Do đó, trong quá trình thực hiện phải gắn với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, gắn với nền công nghiệp của Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương có tiềm năng khai thác đất hiếm cần tăng cường công tác quản lý về đất hiếm để tránh tình trạng khai thác, buôn bán trái phép.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

 

15/08/2024
Bộ Công Thương phấn đấu đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, đa dạng hóa xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
29/05/2024
Từ ngày 3.6, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng cho 4 ngân hàng để bán trực tiếp cho người dân.
24/04/2024
Đà tăng của giá vàng thế giới chững lại sau chuỗi ngày lập kỷ lục, tuy nhiên giá vàng trong nước sáng ngày 24-4 tăng mạnh, chạm mốc 84 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
22/04/2024
Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào 10h sáng thứ Ba, 23-4-2024.
22/04/2024
Sáng nay (22-4), trong khi giá vàng miếng SJC đứng im thì vàng nhẫn quay đầu giảm về mốc 76 triệu đồng/lượng.
19/04/2024
Ngay trong chiều nay (19-4), Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện. Công tác đấu thầu sẽ tiến hành trong thứ 2 tuần tới (ngày 22-4).

® 2022 Bản quyền thuộc VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG. Thiết kế website và SEO - Tất Thành