Chiều nay 21.6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Dù còn không ít băn khoăn khi còn quá nhiều các văn bản dưới luật chưa được ban hành như trong báo cáo thẩm tra mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra. Song đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực, Phụ trách Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 đối với các luật trên. Theo đại biểu, việc ban hành sớm Luật Đất đai có lợi cho người sử dụng đất.
Theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, tại Mục 5 Chương III Luật Đất đai 2024 về điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất thì không còn quy định này nữa. Tức là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.
|
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện để bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay. Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng thuận tiện hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, hệ thống nhà màng, nhà kín, phun tưới tự động chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng khi không sử dụng lại có giá trị thu hồi rất thấp… Vì vậy, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa lên tới hàng chục ha, đã tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 cho phép hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất thay vì 10 lần như Luật Đất đai 2013 đã tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện các dự án có quy mô lớn hơn, qua đó sẽ làm gia tăng giá trị sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn so với trước. Bên cạnh đó, các cơ chế cho thuê đất nông nghiệp để thuận tiện cho người có nhu cầu sử dụng đất dùng sản xuất nông nghiệp và nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo quy hoạch; được sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau để làm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Ngoài tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng thị trường bất động sản cũng đang kỳ vọng sự “phá băng” khi Luật Đất đai sớm có hiệu lực.
Các doanh nghiệp bất động sản cho biết, thị trường bất động sản thời gian qua đang nằm ở “trạng thái chờ”. Đặc biệt là chờ tháo gỡ vướng mắc pháp lý - chiếm tới 70% vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, đây lại là yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của dự án bất động sản và là vấn đề then chốt cần phải giải quyết để tạo ra sức bật giúp thị trường bất động sản hồi phục, nhất là vướng mắc về chính sách đất đai. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chờ đợi luật có hiệu lực để có thể chuyển sang thuê đất trả tiền thuê hằng năm, giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian đầu triển khai dự án. Từ đó, giá bán bất động sản cũng có cơ hội được điều chỉnh về mức hợp lý hơn.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh
|
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dù còn không ít băn khoăn khi các văn bản hướng dẫn chi tiết các luật này chưa có, Chính phủ, các địa phương cũng chưa có thời gian cụ thể để ban hành, nhưng những động thái của Chính phủ trong thời gian qua là rất tích cực. Qua theo dõi cho thấy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hàng chục phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành về dự thảo các nghị định liên quan đến 4 luật này và 23 văn bản dưới luật mà Bộ Tư pháp đã thẩm định theo yêu cầu của Chính phủ.
Những điều này làm cho đại biểu phần nào yên tâm khi bấm nút thông qua. Song Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng có sự phân cấp rất lớn, vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ phải quyết tâm hơn nữa và cam kết trước Quốc hội trong việc khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như hỗ trợ các tỉnh trong việc xây dựng, ban hành các quy định lên quan đến thẩm quyền địa phương, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
Theo Bình Phước Online