Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý, thu thuế. Thủ tướng lưu ý tránh điều hành giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị
Sáng 20.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ để cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhâp doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự án sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Giảm phiền hà cho người nộp thuế
Về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh đây là luật thuế tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, nguồn tài nguyên, các hàng hóa xa xỉ, phục vụ nhu cầu cao cấp... Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý tránh điều hành giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị; cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, giảm phiền hà cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế; việc điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế; cơ quan soạn thảo giải trình thuyết phục về các chính sách được đề xuất.
Về dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm: Mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý, thu thuế.
Đồng thời, nghiên cứu một số nội dung để phân cấp cho Chính phủ quy định nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để nộp thuế dễ dàng, giảm đi lại, mất thời gian.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp
Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu việc đề xuất sửa đổi tập trung vào những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng; có quy định đặc thù với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho người đại diện phần vốn nhà nước.
Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước như xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật...
Theo Báo Tiền Phong