Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể cần thường xuyên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, cần lưu ý các trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để có phương án giải quyết, hỗ trợ thấu tình đạt lý, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đây là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị công bố Nghị quyết số 1104 ngày 23.7.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đối với tỉnh Nam Định.
Không chỉ lưu ý địa phương về vấn đề giải quyết chế độ đối với trường hợp dôi dư, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để trụ sở cấp xã để hoang, bỏ trống, kịp thời sử dụng hoặc thanh lý theo đúng quy định của Nhà nước.
Vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội lưu ý cũng chính là những khó khăn, vướng mắc, tồn tại đã bộc lộ trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã thời gian qua. Sau 4 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành, vẫn còn 58/706 người cán bộ, công chức cấp huyện và 1.405/9.694 người cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương đa số đều có tuổi đời còn trẻ và có nguyện vọng cống hiến lâu dài, trong khi khung vị trí việc làm tại các cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên rất khó để sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, trong khi đó nhiều địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Sự “eo hẹp” về nguồn kinh phí của các địa phương dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng dôi dư sau sắp xếp các ĐVHC.
Cùng với những khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết chế độ, chính sách với đối tượng dôi dư thì việc giải quyết các trụ sở dôi dư sau sắp xếp cũng là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương thời gian qua. Thực tế cho thấy, còn không ít trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả. Đến nay, vẫn còn 52/109 trụ sở cấp huyện dôi dư và 297/755 trụ sở cấp xã dôi dư chưa được xử lý. Nếu không sớm giải quyết rốt ráo tình trạng này có thể dẫn đến lãng phí.
Sở dĩ vẫn còn trụ sở sau sắp xếp bị bỏ không bởi việc định giá tài sản gặp nhiều khó khăn; trình tự, thủ tục bán đấu giá phải thực hiện qua nhiều bước dẫn đến thời gian kéo dài; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện đưa ra đấu giá cũng còn khó khăn vì cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai có những khó khăn, bất cập. Giá trị sử dụng, vị trí của các trụ sở, tài sản bán đấu giá không phù hợp với mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ, làm nhà ở của các đối tượng có nhu cầu… Đây là một trong những cái khó, cái vướng mà các địa phương khi thực hiện sắp xếp ĐVHC đang gặp phải thời gian qua.
Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, bởi tác động đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tác động trực tiếp đến cuộc sống của cán bộ, công chức và ảnh hưởng đến thói quen, tập quán của người dân địa phương. Khó khăn, nhạy cảm nhưng vì mục tiêu tinh gọn và hiệu quả hoạt động của bộ máy đòi hỏi các địa phương phải quyết tâm thực hiện. Muốn vậy, các bộ, ngành cần sớm có các quy định hướng dẫn cụ thể các quy định liên quan đến cơ chế chính sách đối với đối tượng dôi dư, cũng như xử lý các trụ sở đang bị bỏ không sau sắp xếp.
Thực hiện yêu cầu nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tháng 9.2024. Thời gian chỉ còn hơn một tháng, điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt mới về được đích. Cùng một cơ chế chính sách, có địa phương đã về đích, không có lý do gì địa phương khác lại không!
Theo Báo Đại biểu Nhân dân