CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

CHUYÊN TRANG NGÔN LUẬN CỦA VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Đọc báo in onilne

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

29/05/2024 - 15:22
A A- A+

Tiếp tục phiên thảo luận sáng nay, 29.5, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn với từng bộ, ngành, xác định từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Nới lỏng chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

ĐBQH Trần Thị Quỳnh (Nam Định) nhận định, khép lại năm 2023, kinh tế nước ta tiếp tục ghi dấn ấn khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, lạm phát được kiểm soát, chỉ số PMI của tháng 4.2024 tăng trở lại, trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất được cải thiện nhẹ và đây là lần cải thiện thứ 3 trong 4 tháng qua.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành, tháng 4.2024 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng theo giá nguyên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3, so với tháng 12.2023 tăng 1,19% và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,81%, tín dụng tháng 4.2024 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cuối năm 2023. Những số liệu này cho thấy, nền kinh tế phục hồi nhưng còn chậm.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá tốt, cụ thể 4 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, đại biểu nhấn mạnh, đây là mức tăng ấn tượng, vì 4 tháng năm 2023 tổng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công chậm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, đại biểu Trần Thị Quỳnh lưu ý, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột giữa Nga – Ukraina, xung đột Trung Đông là nguyên nhân gây áp lực lên giá năng lượng... Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những thách thức, đây cũng là trở ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, tới đây, phải có những chính sách mạnh mẽ hơn đến từ chính sách tài khóa.

Trước áp lực lạm phát quay trở lại và dai dẳng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ, lãi suất cho vay của các ngân hàng với các doanh nghiệp giảm khá tốt. Tuy nhiên, đà giảm hiện tại có dấu hiệu chững lại và có khả năng tăng lên. Đại biểu Trần Thị Quỳnh nhận định, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khó có thể nới lỏng được hơn nữa, mà thay đó sẽ chặt chẽ, chắc chắn hơn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Quang Khánh

Để đề phòng áp lực tỷ giá và lạm phát quay trở lại, đại biểu Trần Thị Quỳnh cho rằng, cần có chính sách ngành và các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ tiếp các nhóm ngành nghề như dệt may và các sản phẩm mang tính chất trọng yếu của nền kinh tế mà không gây nên áp lực tăng giá như lương thực và một số dịch vụ công như giáo dục và y tế. Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại những khoản vay cũ chịu lãi suất cao của các doanh nghiệp dẫn dến khó khăn, làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

“Trong những năm đại dịch Covid -19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Trong thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, đại biểu Trần Thị Quỳnh đề xuất.

Phải giải quyết điểm nghẽn đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng

Quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) thẳng thắn, công tác xây dựng, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 còn chậm, chưa bảo đảm thời gian quy định. Vẫn còn tình trạng chậm đưa vào xây dựng Chương trình pháp luật của Quốc hội theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số dự án luật chưa đảm bảo chất lượng; một số dự án luật, pháp lệnh chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; còn một số văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và có 7 văn bản chưa đảm bảo tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu cũng nêu thực tế tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm.

Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra còn 404/908 dự án, công trình chưa được xử lý.

Chất lượng cải cách thủ tục hành chính tuy có quan tâm, nhưng chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.

Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước còn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2022…

Trên cơ sở các hạn chế nêu trên, bày tỏ thống nhất cao với 9 nhóm giải pháp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã kiến nghị đối với Chính phủ, đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn đối với từng bộ, ngành, xác định từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, bảo đảm các hạn chế nêu trên sẽ không là cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Thống nhất với nhận định, đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) cho rằng, đây là thực trạng diễn ra trên toàn quốc, cũng là điểm nghẽn cần có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này; đặc biệt cần có chế tài đối với đơn vị được mời đến 3 lần trở lên mà không thực hiện được nhiệm vụ.

Cũng liên quan đến công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế, hiện nay, để sử dụng được dịch vụ công trực tuyến, người dân phải đáp ứng được 3 tiêu chí đó là có thiết bị thông minh, có mạng internet và có khả năng, trình độ sử dụng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Theo đại biểu, chỉ riêng yếu tố thứ 3 đã tạo nên rào cản sử dụng dịch vụ công trực tuyến với rất nhiều người dân, do giao diện cổng dịch vụ công trực tuyến vừa khó sử dụng, lại vừa khó kết nối suôn sẻ. Được biết, còn có một số lượng lớn người dân không thể sử dụng được dịch vụ công trực tuyến mà muốn sử dụng phải có sự hỗ trợ của cán bộ, công chức nhà nước, sự hỗ trợ của người khác.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến cần được cải thiện, tăng tính thân thiện, dễ sử dụng trong giao diện và hoàn thiện chính sách để phát triển dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm người dân thuận tiện, dễ dàng trong sử dụng và không lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước.

"Trong nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, cần bổ sung nhiệm vụ rà soát để cải thiện, nâng cấp các cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện, dễ sử dụng với người dân và hạ tầng kết nối được đồng bộ, thông suốt với Cổng dịch vụ công quốc gia", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

 

10/09/2024
Những ngày qua, bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các quốc gia mà bão đi qua, trong đó có các tỉnh phía Bắc nước ta. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của bão số 3 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
28/08/2024
Sáng 28.8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, thống nhất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời gian tới.
27/08/2024
Sáng 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024 (lần thứ hai) để thảo luận, cho ý kiến đối với các Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Nhà giáo, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
27/08/2024
Nêu câu chuyện một kỳ họp Nhật Bản làm 230 luật, một luật chỉ 1-2 trang; còn Trung Quốc mỗi kỳ họp chỉ 3-7 ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề: "Tới đây chúng ta phải đổi mới thế nào?".
26/08/2024
Sau khi Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 3 phó thủ tướng, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có tổng cộng 5 phó thủ tướng.
26/08/2024
Ngày 26/8, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
26/08/2024
Ngày 26/8, tại kỳ họp bất thường lần 8, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026.
26/08/2024
Chiều ngày 26.8, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ TN&MT; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và bế mạc Kỳ họp.
26/08/2024
Ngày 26.8, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã bầu ông Lê Minh Trí giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Chiều cùng ngày, ông Lê Minh Trí tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

® 2022 Bản quyền thuộc VIỆN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG. Thiết kế website và SEO - Tất Thành