Theo tìm hiểu của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, thực tế rất dễ dàng có thể mua được những loại hóa chất diệt chuột trên thị trường như ở cửa hàng tạp hóa, gánh hàng rong, hay thậm chí trên mạng xã hội.
Tìm hiểu một số loại hóa chất diệt chuột trên thị trường, PV ghi nhận không ít loại hóa chất không hề có thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng,... Chỉ với vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng, PV đã có thể mua được một gói thuốc diệt chuột ở dạng viên hoặc dạng lỏng.
Theo người bán, hóa chất dạng lỏng là dùng để trộn với thức ăn sau đó để vào nơi chuột thường xuyên qua lại, còn dạng viên thì để trực tiếp vào nơi có chuột. Người bán cũng cho hay, loại hóa chất diệt chuột dạng lỏng có độc tính rất cao, khi sử dụng phải cực kỳ cẩn thận.
Hóa chất diệt chuột có màu sắc bắt mắt, dễ gây nhầm lần với các loại kẹo trên thị trường. Ảnh: Quỳnh Mai.
Hóa chất diệt chuột độc đến mức nào?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, hiện nay có một số hóa chất diệt chuột được phép lưu hành ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều loại hóa chất diệt chuột không được phép lưu hành nhưng vẫn được bán tràn lan ngoài thị trường. Những loại hóa chất diệt chuột nhập lậu được bán phổ biến ở các cửa hàng tạp hóa, gánh hàng rong, trên mạng xã hội… Những loại hóa chất này có độc tố cực cao, nếu không may ăn phải sẽ đe dọa đến tính mạng con người.
Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, các loại hóa chất diệt chuột đều có độc tố rất mạnh, ảnh hưởng đến thần kinh và tim mạch. Hóa chất diệt chuột nhập lậu thường gặp có thể ở dạng lỏng hoặc rắn, chứa chất Fluoroacetate hay Fluoroacetamide. Hai loại độc tố này tác động rất mạnh đến thần kinh và tim mạch, có thể gây tổn thương não, co giật, hôn mê, tổn thương cơ tim, loạn nhịp tim. Nếu không may nuốt phải rất dễ gây tử vong.
Một loại hóa chất diệt chuột nhập lậu nữa có dạng bột màu trắng là Tetramine. Loại này gây độc thần kinh nghiêm trọng.
Còn hóa chất diệt chuột được lưu hành ở Việt Nam phổ biến là loại kháng vitamin K. Loại này gây chảy máu, rối loạn đông máu. Nếu không may nhiễm độc có thể gây cháu máu nội tạng, nguy hiểm hơn khi một số trường hợp bị cháy máu kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm. Chính vì vậy, nếu nhiễm độc, bệnh nhân cần được uống thuốc giải độc thường xuyên, uống kéo dài trong vòng nhiều ngày, nhiều tháng.
Loại hóa chất diệt chuột Phosphua kẽm, phosphua nhôm thì có màu xám. Chất độc này gây tổn thương hệ tiêu hóa rất nặng, gây tổn thương tim, tổn thương não, tổn thương mạch, tổn thương đa cơ quan.
Một loại hóa chất diệt chuột dạng lỏng được người bán giới thiệu là chất kịch độc. Ảnh: Quỳnh Mai.
Để diệt chuột an toàn cần làm gì?
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay, để diệt chuột bằng hóa chất một cách an toàn, đầu tiên người dân cần chọn những loại hóa chất diệt chuột được phép lưu hành. Những loại hóa chất này có độc tố thấp hơn, hạn chế được nhiều nguy cơ hơn so với những loại cấm lưu hành. Tiếp theo, người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng hóa chất.
"Người dân tuyệt đối không dự trữ hóa chất diệt chuột trong gia đình, mua đến đâu sử dụng đến đấy. Tuyệt đối không trộn hóa chất diệt chuột với những loại thức ăn hấp dẫn với trẻ nhỏ như bim bim, bỏng, bánh,… khiến trẻ dễ nhầm lẫn.
Khi sử dụng hoá chất cần để nơi cao để trẻ không với tới, hoặc để nơi kín đáo, sau đó đóng cửa, khóa kỹ càng để trẻ em, người già… không tiếp cận được; Để hóa chất tránh xa nguồn thực phẩm và nước uống, nước sinh hoạt, tránh việc hóa chất ngấm vào nguồn nước hay thực phẩm, đã có trường hợp cho nhầm hóa chất diệt chuột vào thực phẩm khi chế biến vì nhầm với gia vị; Khi sử dụng hóa chất diệt chuột cần sử dụng khẩu trang và bao tay", TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên hướng dẫn.
Chuyên gia chống độc cũng khuyến cáo, khi phát hiện người không may bị ngộ độc hóa chất diệt chuột, cần đeo găng tay để loại bỏ hóa chất ra khỏi người nạn nhân, sau đó nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Khoảng 9h10 ngày 5/11, Sở Y tế Lai Châu nhận được thông tin từ TTYT huyện Tam Đường báo cáo có vụ nghi ngộ độc thuốc diệt chuột của Thái Lan (ARS RAT KILLER) đối với 20 học sinh Trường Mầm non Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Thông tin ban đầu từ cô Hiệu phó Trường Mầm non Giang Ma: Khoảng 8h40 ngày 5/11, cô giáo Đ.T.H cho một trẻ đi vệ sinh, sau đó vào lớp cô giáo phát hiện các trẻ đang nghịch viên thuốc diệt chuột (màu hồng). Khi phát hiện, giáo viên kịp thời thông báo cho y tế nhà trường, cách ly những trẻ nghi có khả năng nuốt phải thuốc diệt chuột. Đồng thời Ban Giám hiệu nhà trường thông báo cho Trạm Y tế xã Giang Ma, Trung tâm Y tế huyện, chuyển các cháu đến BVĐK tỉnh Lai Châu điều trị.
Đến khoảng 10h00 cùng ngày, BVĐK tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 cháu, độ tuổi từ 23 tháng đến 34 tháng tuổi.
Các trẻ đều trong tình trạng tỉnh, có một số trẻ có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, quấy khóc. Nhận định sơ bộ ban đầu, trong số 20 trẻ được đưa đến viện có 2 trẻ có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc đã được ưu tiên xử trí cấp cứu.
Theo nhận định ban đầu, thuốc diệt chuột có tên ARS RAT KILLER thuộc thuốc có chất kháng vitamin K (gây rối loạn đông máu).
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống