"Những gì bạn chọn ăn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể của bạn. Chính vì vậy, nếu bây giờ chúng ta không coi ăn như là thuốc, thì đến một lúc nào đó chính chúng ta sẽ phải uống thuốc như ăn". Đây là chia sẻ của GS.TS.BS Chuyên gia Nguyễn Duy Cương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học về Giáo dục Đào tạo, hợp tác quốc tế, Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Lễ ra mắt Viện diễn ra tại Hà Nội ngày 12.5.2024.
Tham dự chương trình có: Ông Lê Quốc Minh - Uỷ Viên Trung Ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XV; Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban công tác Đại biểu Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, Đại biểu Quốc Hội khoá XV; Ông Lê Xuân Khánh - Vụ Trưởng Vụ tổ chức hành chính, Quản trị tài vụ, Văn phòng Chủ Tịch Nước; Ông Lê Phạm Mạnh Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Văn phòng Trung Ương Đảng; Ông Phạm Văn Sáu - Phó Vụ trưởng Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng; Ông Bùi Thế Đức - Phó chủ tịch hội đồng lý luận Trung Ương; Ông Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bà Phạm Thanh Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Văn phòng chủ tịch nước; Bà Vũ Thị Hà - Uỷ viên BCH, Trưởng ban công tác Hội nhà báo Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách Ban tôn giáo Chính phủ; Thầy thuốc Nhân dân PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Trung ương hội đông y Việt Nam; Thiếu tướng GS.TS Đỗ Thế Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Đông Y Việt Nam; Thiếu Tướng GSTS Nguyễn Đình Được - Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực Việt Nam, Ông Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch câu lạc bộ UNESCO Châu Á TBD, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay,…
Về phía Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng có: Nhà báo Lê Thị Tuyết Hà; Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Trưởng ban Văn hóa và Xã hội Tạp chí Ngày nay; Nhà báo Lại Đức Hồng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Th.S Trần Thị Hằng Nga - Viện Trưởng Viện phát triển văn hoá và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Bà Chữ Thị Thu Hoài, Phó Viện trưởng kiêm Chánh Văn phòng Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng,... cùng các thành viên của Viện.
Trong khuôn khổ buổi Lễ ra mắt, tại diễn đàn “Thầy thuốc lương y học tập và làm theo gương sáng của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”. Về mối liên hệ giữa văn hóa và sức khỏe cộng đồng, GS.TS. Bác sĩ Chuyên gia Nguyễn Duy Cương chia sẻ, văn hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Nó chính là cách ăn, cách uống, cách chế biến thức ăn, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, các hoạt động vui chơi…, tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Việt Nam đang đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng, trong đó có vấn đề thừa cân béo phì, trẻ em cũng béo phì, các bệnh rối loạn chuyển hóa. Ngày nay do hội nhập kinh tế toàn cầu, người Việt bị ảnh hưởng bởi văn hóa ăn, ăn đồ ăn nhanh nhiều hơn, không có thời gian chế biến thức ăn, không ăn nhiều rau, lười vận động… Cũng vì thế, người Việt Nam bị béo phì sớm hơn, đột quỵ sớm hơn'', GS.TS. Bác sĩ Chuyên gia Nguyễn Duy Cương thông tin.
Ông nhấn mạnh, những gì bạn chọn ăn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể của bạn. Chính vì vậy, nếu bây giờ chúng ta không coi ăn như là thuốc, thì đến một lúc nào đó chính chúng ta sẽ phải uống thuốc như ăn.
Theo các nghiên cứu, một người thường xuyên và đều đặn hoạt động thể chất, bao gồm tập thể dục và thể thao, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường tuýp 2, béo phì và tử vong sớm.
Tốt nhất là kết hợp nhiều bài tập khác nhau, chẳng hạn như chạy hoặc đi xe đạp, với các bài tập rèn luyện sức mạnh, có thể bao gồm tập tạ hoặc các bài tập mang trọng lượng cơ thể. Việc đa dạng hoạt động tập luyện sẽ giúp bạn đỡ nhàm chán hơn cũng như mang lại lợi ích toàn diện cho cơ thể của bạn.
Ngoài ra, thói quen ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Chúng ta cần lựa chọn, đa dạng và nhiều chất dinh dưỡng trong thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe, bảo vệ cơ thể bạn khỏi bệnh tật.
Như chế độ ăn uống của phương Tây, có nhiều thực phẩm chế biến sẵn và ít thực phẩm nguyên chất như sản phẩm tươi sống, do đó thường thiếu vitamin và khoáng chất. Những thực phẩm chế biến sẵn này gây hại cho vi khuẩn đường ruột của bạn và thúc đẩy tình trạng kháng insulin, viêm mãn tính và nguy cơ mắc bệnh tổng thể. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần giáo dục cộng đồng.
" Chính vì lẽ đó, bản thân tôi sẽ cùng đồng hành với Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng để phát huy hết khả năng, trí tuệ, công sức của mình cùng các nhà khoa học để chúng ta hướng tới một cộng đồng văn hóa, hạnh phúc và khỏe mạnh", GS.TS. Bác sĩ Chuyên gia khẳng định.
Viện Phát triển văn hóa Chăm sóc sức khỏe cộng đồng thành lập từ năm 2019, sau đó đổi tên thành Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào năm 2023. Từ khi thành lập đến nay, Viện đã luôn chú trọng phát triển nhân lực, thu hút nhân tài, tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm và các cán bộ có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực văn hóa xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Viện phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh: " Thời gian qua, Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa để khẳng định vai trò của văn hóa và công tác chăm sóc sức khỏe trong xã hội. Vì thế, Viện Phát triển văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng ra đời mang ý nghĩa lớn, góp phần thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ đó”.
Tuy mới thành lập nhưng đồng chí Lê Quốc Minh đánh giá cao những hoạt động ý nghĩa của Viện thời gian qua, với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm của nhiều chuyên gia, thượng tọa, đại đức, lương y, bác sĩ… tham gia vào Hội đồng khoa học và Hội đồng quản lý.
Xuân Quý