Trong thời gian vừa qua, để phản đối quy định bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lên tiếng cho rằng sử dụng muối i-ốt trên diện rộng sẽ dẫn đến những người thừa i-ốt (đặc biệt là dân sống tại vùng biển) bị các bệnh về tuyến giáp và các bệnh lý khác, dẫn đến nhiều người dân từ chối sử dụng muối i-ốt, điều này gây lo ngại rất lớn về các bệnh rối loạn do thiếu i-ốt gây ra.
Để thông tin cụ thể hơn đến bạn đọc, báo Sức khỏe và Đời sống đăng các thông tin liên quan từ thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đến ý kiến của chuyên gia nội tiết, dinh dưỡng về vấn đề này.
Ngay cả người dân vùng biển cũng thiếu hụt i-ốt
Theo Bộ Y tế, thực trạng thiếu hụt i-ốt đang xảy ra đối với toàn bộ người dân ở 6 vùng sinh thái trên toàn quốc tại Việt Nam, bao gồm cả các tỉnh ven biển Duyên hải miền Trung.
Năm 1994, Việt Nam điều tra dịch tễ học tình trạng thiếu i-ốt trên quy mô toàn quốc và kết quả cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt (tình trạng thiếu i-ốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển), tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi 22,4% (khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là <5%, trung vị i-ốt niệu là 32 mcg/l (khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l).
Chính vì tình hình thiếu i-ốt nghiêm trọng, ngày 8/9/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối i-ốt. Sau 05 năm sau, ngày 10/4/1999, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối i-ốt cho người ăn thay thế Quyết định số 481/TTg.
Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%.
Nghị định này quy định bắt buộc muối dùng cho người ăn, bao gồm cả muối thực phẩm phải là muối i-ốt. Vì vậy, sau 06 năm triển khai thi hành Nghị định này, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005: tỷ lệ bao phủ với muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 90%, mức trung vị i-ốt niệu ≥ 100 mcg/l và tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi < 5%.
Tuy nhiên khi Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/1999/NĐ-CP được ban hành để chuyển sang cơ chế quản lý mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt trở thành hoạt động thường quy của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, việc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm không còn là bắt buộc nữa.
Chính vì vậy, theo kết quả đánh giá 09 năm thi hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP, cả nước chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (mức khuyến cáo của WHO là tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt >90%), mức trung vị i-ốt niệu là 84 mcg/l, thấp hơn khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l).
Tỷ lệ này cao gấp gần 2 lần so với khuyến nghị của WHO (<5%) và cao gần gấp 3 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt.
Năm 2014-2015, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi đã tăng lên 8,3% (điều tra trên quy mô toàn quốc trên hàng nghìn trẻ). Khẳng định Việt Nam thiếu i-ốt không chỉ ở miền núi mà còn thiếu ở cả các khu vực duyên hải miền trung (ven biển).
Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt
Trước tình trạng thiếu hụt i-ốt nghiêm trọng trong cộng đồng, ngày 28/01/2016, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Nhờ có quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, năm 2018, Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều tra 6 vùng sinh thái trên toàn quốc cho thấy mức trung vị i-ốt niệu toàn quốc đã tăng (2014: 84 mcg/l) lên 97 mcg/l (điều tra trên 2.160 hộ gia đình), mặc dù vẫn dưới mức khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l).
TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Tính theo các vùng sinh thái thì chỉ có khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đạt mức trung vị i-ốt niệu trên 100 mcg/l.
Các khu vực khác, kể cả Duyên hải miền Trung (vùng ven biển) vẫn còn tình trạng thiếu i-ốt. Kết quả cụ thể mức trung vị i-ốt niệu như: Tây Nguyên: 118,5 mcg/l; Đồng bằng sông Hồng: 89 mcg/l; Khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung: 95 mcg/l; Khu vực Đông Nam bộ: 107 mcg/l; Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long: 93 mcg/l;
Hiện nay, theo Báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.
Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam, trung vị i-ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, (trong khi mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 100-199mgc/l); phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l (mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 150-249mgc/l).
Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.
Thiếu vi chất dinh dưỡng là "nạn đói tiềm ẩn" do khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu.
Chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn thực phẩm quy định "Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng".
Trên cơ sở nội dung giao tại Luật, sau khi nghiên cứu, đánh giá và căn cứ vào thực tiễn về tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở cộng đồng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt".
Luật và Nghị định 09/2016/NĐ-CP là 02 văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định về bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, có hiệu lực bắt buộc chung, được nhà nước bảo đảm thực hiện trong phạm vi cả nước. Đến nay, chưa có văn bản nào bãi bỏ, sửa đổi hay thay thế văn bản này.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống